Chúa cứu thế, thế ai cứu Chúa?

Tháng Bảy 17, 2011

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành bị cấm xuất cảnh. Chuyện cũ như một cái áo lót đẫm mồ hôi, thế mà cũng khiến bên nhà Chúa phấn khởi vớ lấy rùm beng lên. Đây chả phải lần đầu. Cha lăm le đi nhiều bận, lần nào cũng như lần nào, tốn bao nhiêu tiền của giáo dân lên thăm viếng tiễn đưa, vì ai cũng tưởng cha đi chuyến ấy là Kinh Kha qua sông. Ai dè, cứ đi lên được đến sân bay là về, có bận còn chả ra được cổng. Thành ra, có giáo dân nhận được tin cha “sắp đi” đâm bực mình quăng một câu “thôi cha đi thực, xin đưa cha vắng mặt lần này”. Chứ lại không à, mất công vác tấm thân phàm lên tiễn cha đã đành, lại còn phải để lại muôn vàn tình thương mến cung kính trong một cái bao thư nho nhỏ, nặng tình nhường ấy, ai mà kham được mãi.

Ngay tình khuyên các cha, lòng người quanh các cha đã khác lắm rồi. Dòng Chúa Cứu thế của các cha được đặt ra vì sứ mệnh phục vụ người nghèo khó, mà chả thấy các cha chuyên tâm phụng vụ. Các cha chỉ chăm chú những chuyện xoa dịu mấy cô nhẹ dạ mới phá thai hay cải đạo cho người đời. Chuyện cải đạo này cũng thực quái lạ, khi đối tượng cải đạo “kiểu mẫu” của các cha kiểu gì cũng là Phật tử.

Dưới đây là một bài giảng “tưởng tượng” của cha Lê Quang Uy, cho một người “tưởng tượng” là muốn cải đạo, mà người này – theo cái hình dung của các cha – dĩ nhiên là Phật tử. Đọc để xem trí tưởng tượng của các cha nó dồi dào và hài hước thế nào:

MỘT BÀI GIÁO LÝ CHO NGƯỜI DỰ TÒNG TRONG MÙA CHAY

Xin chia sẻ bài viết này, một bài Giáo Lý dành cho người Dự Tòng dưới hình thức một cuộc hội thoại. Đối tượng là một đôi bạn trẻ khoảng 30 tuổi, chị là Đạo gốc, anh là Dự Tòng, cả hai xin học Giáo Lý để sẽ chịu Bí Tích Thánh Tẩy và sau đó cử hành Bí Tích Hôn Phối. Tất cả câu chuyện được hư cấu như một tình huống có thật ngoài đời mà chúng ta có thể đã có dịp gặp ở nhiều lớp Giáo Lý Dự Tòng.

Về mặt sư phạm, các học viên sẽ cùng Giáo Lý Viên – ơđọc Lời Chúa trong Kinh Thánh để cùng giúp nhau khám phá ra những mặc khải quan trọng về Thiên Chúa, trong đó có chủ đề Tạo Dựng được đào sâu đặc biệt, đáp ứng được phần nào các vấn nạn của hầu hết những người Dự Tòng có tâm hồn khao khát tìm hiểu về Đạo. Trong bối cảnh Mùa Chay, chúng ta sẽ trực tiếp dùng ngay 9 bài đọc Lời Chúa của Phụng Vụ Lễ Vọng Phục Sinh và được sắp xếp thành tất cả 6 buổi học, đúng hơn, 6 buổi gặp gỡ, gặp gỡ nhau, gặp gỡ Thiên Chúa.

NGÀY GẶP GỠ THỨ NHẤT

GLV: Anh chị dự định bao giờ thì anh sẽ xin chịu Bí Tích Thánh Tẩy ?

CHỊ: Thưa thầy, vào dịp Lễ Phục Sinh sắp tới có được không ạ ?

GLV: Tôi cứ ngỡ sớm hơn, thậm chí là quá gấp gáp vội vàng như khá nhiều trường hợp đến liên hệ xin học Đạo ở chỗ chúng tôi… Bây giờ đã sắp vào Mùa Chay, từ đây đến Lễ Phục Sinh thời gian cũng còn tương đối dài, tạm đủ để chúng ta gặp gỡ trao đổi. Cái chính không phải chỉ là học cho đủ số bài quy định, mà là chính anh đây sẽ cảm nhận thiết thân rằng mình “gặp Đạo” và rồi sẽ “sống Đạo” chứ không chỉ “theo Đạo”. Cũng vì thế, nếu được, mong chị cũng cùng đến đây với anh để chúng ta cùng gặp gỡ Lời Chúa.

ANH: Thú thật với thầy, chúng tôi không hề nghĩ đến khía cạnh thầy vừa nói. Cô ấy đề nghị đầu tháng 4 tôi sẽ được rửa tội, rồi đến giữa tháng sẽ làm đám cưới đúng sinh nhật cô ấy cho vui vậy thôi. Gia đình bên tôi không có trở ngại gì nên tôi cũng chiều ý.

GLV: Vậy thì thế này, bắt đầu buổi sau, tôi với anh chị sẽ cùng nhau lần lượt đọc các bài Kinh Thánh của Lễ Vọng Phục Sinh. Còn hôm nay, chúng ta xem như để làm quen với nhau. Xin lỗi, anh có thể nói một chút về anh, nếu được…

ANH: Gia đình tôi vốn gốc là Đạo Phật. Ba tôi quy y tại gia khá lâu trước khi qua đời. Mẹ tôi thì cho tới nay vẫn ăn chay trường. Các cụ chủ trương phá chấp, nên con cái được tự do thoải mái, ai đi Chùa thì đi, không cũng chẳng sao, miễn là đừng làm gì gây nên nghiệp chướng, cố gắng ăn ngay ở lành thì càng tốt. Riêng tôi, khi quen cô ấy, nhiều năm rồi, gia đình bên ấy cứ thúc tôi phải theo Đạo. Tôi nghĩ, Đạo Chúa đã là Đạo thì cũng dạy từ bi yêu thương, nghe cô ấy nói thì chỉ khác ở chuyện đời sau. Tôi có chú ý tìm hiểu, nhưng rồi bẵng đi, quên luôn. Cho đến khi tôi phải đi Thanh Niên Xung Phong, bị sốt rét ác tính tưởng chết. Nằm bẹp ở trạm xá của Tổng Đội giữa rừng U Minh, tôi khủng hoảng quá. Thế rồi cô ấy lên tận đơn vị thăm nuôi, khóc mà bảo tôi là phải cầu nguyện với Đức Mẹ của cô ấy, cùng với một lô ông Thánh bà Thánh lạ hoắc… Thú thật, chưa bao giờ tôi thấy rõ cái chết đến gần như thế. Trước tôi và cùng đợt với tôi đã từng có đứa mất trí nhớ, khùng khùng điên điên, có đứa liệt, có đứa đi luôn, tội lắm…

GLV: Trước khi đi tu, tôi cũng có một thời gian đi TNXP nên có lẽ hiểu được tâm trạng ấy của anh phần nào… Thế anh đã nghĩ gì lúc mười phần chết chín ấy ?

ANH: Cũng chả nghĩ ngợi gì được tới nơi tới chốn. Mỗi đợt dứt cơn, tôi chỉ biết nằm phờ ra, định tự sát bằng một vốc thuốc cho xong, nhưng lại sợ. Có một hôm, tôi chợt nhớ lại đủ thứ chuyện tốt xấu tôi đã làm trong đời. Tự nhiên tôi liên tưởng đến cái bàn cân gạo của tụi hậu cần trong đơn vị, nó đang cân tội lỗi của mình, cân đi cân lại mà tội cứ nặng hơn công. Tôi khiếp quá, mắt tối xầm, thiếp đi, mộng mị đủ thứ kinh khủng kỳ quái. Rồi tôi vùng tỉnh dậy, vã mồ hôi, không còn muốn chết tý nào nữa. Tôi muốn còn có cơ hội cho đời tôi được làm lại từ đầu, tốt hơn, đỡ bê bối tội lỗi hơn…

CHỊ: Em có khuyên ảnh mau mau trở lại Đạo, nhất là sau khi được xuất ngũ cách đó 3 năm. Vậy mà cù cưa hoài, tới nay cũng 7, 8 năm rồi, ảnh bảo: Bộ chỉ cần rửa cho sạch tội giống như rửa mặt gội đầu là đủ thoát trầm luân khổ ải sao ? Em ngố ra, chỉ biết nói là: trước sau gì theo Chúa thì Chúa chắc chắn sẽ cứu mình…

ANH: Tôi có nghe cô ấy kể sự tích trái cấm: Chúa phạt ông A-đam và bà E-và phải bị tống cổ ra khỏi vườn địa đàng vì đã lỡ để cho con rắn tai ác nó dụ cho phạm tội. Tôi cũng có được học hành kha khá ngoài đời, cũng đã qua Đại Học năm thứ hai, dở dang, rồi mới đi TNXP, nên tôi đâu có dễ tin loại truyện đời xưa như thế. Hơn nữa, ăn bậy có một trái táo, thấm tháp gì so với bao nhiêu là tội ác dã man thời đại bây giờ mà đến nỗi phải chịu đau khổ đời cha sang đời con…

GLV: Thế từ dạo xuất ngũ, anh sống ra sao ?

ANH: Hồi đó, kinh tế khó khăn, và cả bây giờ, cơ hội làm giàu đang nằm trong tầm tay, tôi đã sống tương đối lương thiện tử tế hơn, bớy gay gắt cực đoan hơn hồi xưa. Sẵn tiện, tôi cũng xin thưa với thầy là, tôi có chú ý xem những người Đạo Chúa sống ra sao. Tôi thấy có người rất tốt, nhưng cũng có lắm kẻ bậy bạ, có Đạo cũng như không ! Tôi xin lập lại là tôi coi Đạo nào cũng tốt, mà kể cả người cộng sản vô thần tôi biết cũng có người đàng hoàng. Vậy nếu nay mai tôi vào Đạo rồi, tôi sẽ sống thế nào đây cho tốt, ít ra là tốt hơn trước đây. Tôi nghĩ rồi cũng có ngày mình sẽ phải chết như ba tôi đã chết, rồi tôi sẽ đi đâu ? Tôi có gặp lại được ba tôi không ? Những việc tốt ấy có giúp mình được giải thoát tiêu diêu không ?

GLV: Cám ơn anh chị nhiều lắm. Tôi mong anh chị không quá chờ đợi nơi tôi những lời giải đáp thắc mắc cho bằng một sự đồng cảm. Tôi cũng sẽ chia sẻ nhiều với anh chị về Lòng Tin của tôi, của nhiều người có Đạo khác, của cả Giáo Hội là cộng đoàn mà anh đang muốn gia nhập, để anh, và cả chị nữa, sẽ tự khám phá ra con đường tự mình phải đi. Hơn thế nữa, có thể nói, anh chị và tôi, chúng ta sẽ để cho chính Thiên Chúa ngỏ lời chia sẻ về bản thân Người qua Lời của Người là Kinh Thánh… Thôi, hôm nay chúng ta tạm chia tay ở đây, hẹn anh chị trong buổi gặp gỡ lần tới nhé…

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT

Advertisement

MẮT TRẺ CON

Tháng Hai 16, 2011

Đại thể người ta hay khúc khích nói duyên với nhau rằng “ấy cái sự ấy sở dĩ được như thế là vì tớ nhìn đời bằng đôi mắt trẻ thơ”, hay “thôi cứ nhìn đời bằng đôi mắt trẻ thơ đi cho nó nhẹ, nó lành”.

Thật bậy bạ hết sức.

Tôi có thằng cháu họ. Năm nó lên 4, bố mẹ nó chia nhau đôi ngả, bố đi Ba Lan bán quần áo, mẹ sang Đức bán xúc xích và nem rán. Nó ở với ông nội 3 tháng, về bà ngoại 3 tháng, cả năm cứ thế mà xoay tour. Tôi không nhớ lắm trước cái lúc 4 tuổi thì nom nó thế nào, vì lúc ấy tôi cũng còn trẻ dại. Nhưng có một buổi chiều nhàn rỗi, tôi sang ông nội nó chơi, thế nào thành ra ngồi chuyện trò với nó ở đầu hè, nó ngồi trên cái tường thấp trước vẫn đặt mấy chậu cây cảnh, nhát gừng trả lời từng câu hỏi của tôi. Mặt nó cúi gằm, giọng nói lí nhí. Nói chuyện được một lúc, tôi thấy bất an trong lòng. Tôi gọi to tên nó, nó giật mình nhìn lên tôi. Bấy giờ, tôi mới hiểu vì sao tôi bất an. Tôi nói chuyện với nó mà không hề nhìn vào mắt nó, và khi đôi mắt ấy, trong một thoáng giật mình nhìn lên, cái nhìn rất tối trong ấy khiến tôi câm bặt. Lúc ấy nó khoảng 5 tuổi. Bây giờ nó đã 23 tuổi, nói chuyện vẫn không bao giờ nhìn người ta, đôi mắt cứ lạc đi tứ tung, cái nhìn như một sợi dây có móc, cắm bừa và chốt chặt vào một món đồ vô tri vô giác nào đó quanh đấy. Tôi nghĩ nó đã ngừng việc nhìn vào mặt người, nhìn vào mắt người từ hồi 4 tuổi ấy rồi.

Trẻ con, có nhiều trẻ con khác nhau lắm.

Mắt trẻ con cũng vậy. Đức bé sơ sinh nằm ngửa trong nôi, nhìn lên ta bằng đôi mắt ngạc nhiên. Ồ ồ ồ, ai vậy, hoặc Ồ ồ ồ cái gì kỳ thế kia (vẫn là nhìn vào ta đó). Đôi mắt trong veo, lòng trắng có màu xanh, lòng đen lóng lánh với đồng tử như một viên kim cương trong nước. Đừng nghĩ là dễ dàng nhìn mãi vào một đôi mắt trẻ con.

Khi bọn trẻ lớn dần, cái nhìn trong mắt chúng cũng thay đổi. Chúng ít dần vẻ ngạc nhiên. Chúng bắt đầu có vẻ ngơ ngác, vẻ hoảng hốt, vẻ bực bội, vẻ đòi hỏi, vẻ hài lòng lấp lánh, sáng lên trong niềm vui rạng rỡ hay bị che mờ trong nỗi giận hờn. Nhưng mà Nguyễn Huy Thiệp, ông nói sai rồi “Sống dễ lắm, cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”. Tôi nghĩ ngược lại, sống theo cách mà bọn trẻ con nhìn ta kìa. Trẻ con có nhìn bạn không? Chúng nhìn bạn trong bao lâu? Ánh sáng trong đôi mắt ấy lúc nó nhìn vào bạn thế nào? Bọn trẻ 3-4 tuổi nhìn bạn kiểu gì, bọn nhãi 13-14 nghía bạn ra sao, bọn choai choai 17-18 dòm bạn thế nào? Những cái nhìn có thể làm bạn nhột, bạn giật mình, bạn dịu đi, bạn bối rối, bạn điên lên.

Nhưng còn biết nhìn, hoặc dám nhìn sâu vào một đôi mắt trẻ con, tìm thấy cái nhìn của nó về bạn, bạn còn có cơ may khá đó.

Ông Dương Trung Quốc và nước mắm Liên Thành

Tháng Một 20, 2011

Nhân một tiệc rượu cuối năm với một tay nghiên cứu cổ sử, lại nhân lúc bàn đến chuyện trong cung đình giờ có những tay nào là trí thức phò tể tướng trị thiên hạ, một bác đương cơn say lẫn lộn thân thế ông Dương Trung Quốc là con của cụ Dương Quảng Hàm. Đám rượu nhao nhao phản đối, giở sách tra google đã đời, mới bất ngờ thấy một việc, chả nhỏ chả lớn, nhưng liên đới ông Dương Trung Quốc, lại là người làm sử, lại công khai trên mặt báo, nên thành việc cũng đáng bàn. Ấy là việc: ông Dương Trung Quốc có khai man thân thế?

Là vì khi tìm tên ông Dương Trung Quốc, thì ra một bài báo trên tờ Thể thao – Văn hóa, tác giả Vi Thùy Linh (http://thethaovanhoa.vn/133N20100913104828522T0/nha-su-hoc-duong-trung-quoc-va-nep-nha-ha-noi.htm) với tựa “Nhà sử học Dương Trung Quốc và nếp nhà Hà Nội”. Trong bài có chi tiết: “Vợ chồng ông Quốc sinh trưởng ở phố “hàng” trong phố cổ, quê gốc ông – xứ dừa Bến Tre. Ông nội là cụ Dương Trung Giao – chủ hãng nước mắm Liên Thành, là người duy tân, làm kinh tế để nuôi chí. Hãng Liên Thành bảo trợ cho trường Dục Thanh ở Phan Thiết nơi Nguyễn Tất Thành dạy học. Ra Hà Nội, cụ mua ngôi nhà 27 Hàng Đường từ 1917, lấy vợ là Nguyễn Thị Hợi, người Ngọc Thụy. Họ chỉ có 1 con duy nhất: Dương Trung Hậu”.

Ông Dương Trung Hậu là bố ông Dương Trung Quốc, tôi chả dám thắc mắc. Nhưng chi tiết “ông nội là cụ Dương Trung Giao – chủ hãng nước mắm Liên Thành” thì thực là quái lạ. Quaí lạ vì trên trang chủ của hãng nước mắm này, ở địa chỉ nuocmamlienthanh.vn, phần giới thiệu lịch sử hãng, lại điểm danh rất rõ ràng từng người là sáng lập viên thương hãng nổi tiếng này, và trong đó không có tên ông Dương Trung Hậu.

Phần lịch sử công ty này ghi:

“Cách đây 100 năm, ngày 06/06/1906, từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh. Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết. Liên Thành là chủ sở hữu và sáng lập ra trường Dục Thanh Phan Thiết, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học

I- Lịch sử Liên Thành:Những người sáng lập gồm: Cách đây 100 năm, ngày 06/06/1906, từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh. Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết. Liên Thành là chủ sở hữu và sáng lập ra trường Dục Thanh Phan Thiết, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học. Và cũng chính Liên Thành góp phần tổ chức, gíup đỡ tài chính cho nhà ái quốc Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và sang Pháp.
Ta thấy ngay sự sáng suốt của tiền nhân khi muốn khởi đầu sự nghiệp kinh tế lớn của Quốc gia bằng chén nước mắm. Miền Trung đồng ruộng hẹp, công cuộc buôn bán lớn đều nằm trong tay người Tàu, người Pháp, làm sao tranh thương nổi với họ. Đặc biệt nguyên liệu chế biến nước mắm với trữ lượng lớn đầy ấp biển Phan Thiết.
Sáu vị sáng lập viên đầu tiên gồm các nhà tri thức Nho học, Tây học, quan lại viên chức cả ở Trung và Nam Kỳ đồng chí, đồng lòng, với lòng yêu nước, góp của, góp công sức, vượt bao khó khăn để thành lập và phát triển thương hiệu Liên Thành vững bền, uy tín trong lòng người tiêu dùng từ trước đến nay.

II. Những Người Sáng Lập Gồm:

– Phan Châu Trinh

– Nguyễn Trọng Lội (1871-1911) và Nguyễn Qúy Anh (1881-1938) là con trai cụ Nguyễn Thông. Cụ Nguyễn Thông quê ở Long An, năm 1849 đỗ Cử nhân, ra làm quan ở Cần Thơ. Khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, ông tham gia chống Pháp. Khi Nam Kỳ thuộc Pháp, ông di cư ra Bình Thuận lập ra Bình Châu xã và dựng một tòa nhà nhỏ gọi là Ngoạ Du Sào để ở (nay thuộc khu di tích Dục Thanh).
– Hồ Tá Bang(1875-1943), quê ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, tham gia phong trào Duy Tân, nhưng cũng là người ái mộ cụ Phan Bội Châu.
– Nguyễn Hiệt Chi (1870-1935), quê gốc ở Nghệ An, tham gia phong trào Cần Vương, sau vào Phan Thiết làm trợ giáo.
– Trần Lệ Chất (1866-1968), quê ở Thanh Hà, Hà Tỉnh, tham gia phong trào Văn Thân của Phan Đình Phùng. Sau khi phong trào Văn Thân thất bại, năm 1895 ông ra làm việc với Pháp. Do biết chữ Pháp và chữ Hán ông được xếp vào ngạch Cao đẳng nhân viên là ngạch cao nhất của người bản xứ.
– Ngô Văn Nhượng. quê ở Bình Thuận, là thừa phái, có công góp phần bảo vệ Công ty Liên Thành lúc mới thành lập.

Liên Thành có nghĩa là Thành Hoa Sen, nguyên là tên lịch sử của Hòa Đa, là thủ phủ cũ của tỉnh Bình Thuận, tượng trưng cho người quân tử. Chọn cái tên này các thân hào nhân sĩ muốn truyền cái tâm trong sạch như Hoa Sen vươn lên từ bùn lầy trong bối cảnh nước mất nhà tan của thời kỳ đầu thế kỷ.
Con Voi: hình ảnh tượng trưng cho bầy đàn, quần thể. Biểu tượng Con Voi Đỏ thể hiện tinh thần đoàn kết, tấm lòng son sắt trước sau như một của dân tộc Việt Nam”.

Tôi không rõ ông Dương Trung Hậu có vai trò gì trong hãng nước mắm Liên Thành thủa ấy, vì ít nhất lịch sử hãng nước mắm nổi tiếng này cũng không có một dòng ghi nhận. Có thể ông Hậu đã từng tham gia một số hoạt động song cái chức “chủ hãng Liên Thành” thì nhất định là không.

Ông Quốc là người làm sử. Bài viết của tác giả Vi Thùy Linh trên TTVH là từ những trò chuyện, gặp gỡ với ông Quốc mà ra. Bài lại đăng trên báo giấy, báo mạng từ tháng 9 năm 2010, ông Quốc không thể không đọc lại. Cái sự quái lạ của tôi, có ai giải được không?

Đối thoại – Đối đầu

Tháng Năm 10, 2010

Nói xong chuyện bên nhà Phật, nay nói sang chuyện bên nhà Chúa cho nó công bằng, bình đẳng.

Đầu năm ghé trang web Hội đồng Giám mục đọc qua loa, xem có “biến cố” gì hay hay chăng. Chớ nên hiểu lầm chữ “biến cố” mà dân Chúa hay dùng. Đại loại là cha vào nhà thờ dâng thánh lễ, vấp vào cái bậc thềm một cái cũng là biến cố.

Từ trang của Hội đồng Giám mục, link sang trang của Tòa Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh. Đọc lời chúc xuân của Hồng y Tổng Giám mục Gioan Baotixta Phạm Minh Mẫn, thấy có đoạn hay hay này:

“và ba là, mở rộng tình huynh đệ liên đới đối với mọi người trong cộng đồng xã hội, là anh em đồng bào và đồng loại”.

Cha nào đó làm công việc biên tập kiêm bình luận viên, giảng nghĩa viên luận câu chúc này thành một đoạn, cũng hay hay thế này:

“3. Mở rộng tình huynh đệ liên đới trong cộng đồng xã hội bằng cách:
– Đồng hành cùng dân tộc;
– Đổi mới cách thể hiện tình huynh đệ và tình yêu đối với tổ quốc: hội nhập và phát huy văn hoá bản địa, đối thoại và hợp tác để phục vụ cho công ích, cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền;
– Đổi mới mối quan hệ xã hội từ đối đầu sang đối thoại, với tình huynh đệ và tinh thần trách nhiệm liên đới.”

Nói chung là tôi thích cái đoạn này. Thích vì thấy nhà Chúa bẻ lái một phát cực gấp mà cỗ xe vẫn lướt đi khá trơn. Còn nhớ lễ Lá cách đây không lâu, chừng 3,4 năm gì đó, một cha giảng trong Đại chủng viện Thánh Giuse, nhắc nhở cộng đoàn cảnh giác, thông tin trao đổi luận bàn gì với “bên ngoài” cũng nên cẩn trọng giữ miệng, nhất là “bọn báo chí chúng nó”. Chả hiểu sao các cha lại ghét báo chí thế, trong khi Noel nào “chúng nó” cũng đưa tin hì hục, đăng ảnh các cha áo thụng
đen thụng đỏ thụng tía huy hoàng, trích dẫn các cha toàn phần lời hay ý đẹp, cất giấu hết phần lời dở ý xấu. Làm quan hệ công chúng giúp các cha đến thế, chả được lời cảm ơn, lại còn bị ghét, thật đúng là kiểu mà Tân Ước bảo “Không theo Đức Giê-su là chống lại Người” (Lc 11,11).

Mà thôi, chuyện đó bỏ. Vấn đề là bây giờ đi từ cái vụ “cẩn thận với bọn báo chí chúng nó” sang vụ “Đổi mới mối quan hệ xã hội từ đối đầu sang đối thoại, với tình huynh đệ và tinh thần trách nhiệm liên đới” ra sao. Nhìn vào một cha làm bên văn phòng thấy liền. Hôm rồi sang gặp, thấy cha đang nồng nhiệt tiếp một nhà báo, trên bàn la liệt những sách báo tranh ảnh. Cha lần giở từng trang sách, đưa từng tấm ảnh, giải nghĩa tận tình. Rồi cha tiễn nhà báo ra về tới tận cửa, bắt tay rõ lâu, vẻ mặt rõ tươi tắn. Mới áp dụng mà đã xuất sắc thế, cái này mấy phòng đăng ký nhà đất, hộ khẩu, sao lưu ở phường gì đó nên cử cán bộ sang học tập.

Rồi lời lẽ trên mấy trang web nhà Chúa nhã nhặn hẳn. Nghe nói các cha đang ráo riết chọn “phát ngôn nhân” (vụ này hẳn cha Ngô Quang Kiệt không lọt qua vòng loại). Rồi hội nghị liên tôn, ủy ban liên tôn, rồi gặp gỡ trò chuyện với Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Hồi giáo, rồi chúc Tết chính quyền, tặng hoa nhân dân… Chiến dịch PR của các nghệ sĩ áo chùng đen ngày một rộn ràng.

Đến đây thì phải ngưng chút để nói đến bản tin của WHĐ (22.04.2010) và phần phỏng vấn Tổng Giám mục Kiệt về việc bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn vào chức vụ Tổng giám mục phó của Tổng giáo phận Hà Nội. Bài phỏng vấn rườm rà, nhưng có câu: “Không ai biết được sự thật như thế nào. Vì đó là việc của Đức Thánh Cha”, tôi cứ cố nghĩ xem nếu mình là tay nhà báo của WHĐ ấy, tôi tiếp nhận cái câu này thế nào. Nếu đã chẳng ai biết được sự thật thế nào ngoại trừ cái ông Đức Thánh Cha nọ, thì có sự thật không và vì sao sự thật lại không thể được để cho người khác biết. Và nếu đó là sự thật tùy thuộc vào một người thì nó có thể gọi là sự thật không?

Nhưng nói chung là nhà Chúa vốn vậy. “Không ai biết được sự thật như thế nào”.

Thế nên, hẵng cứ khoan khoái thưởng thức cái nhã nhặn bất thình lình này.

Khó tu, tu khó?

Tháng Một 12, 2010

Tôi về làng, vào chùa làng thắp hương tam bảo. Chùa làng dễ hơn 150 năm tuổi, cây đa đã chết đi sống lại đến cả chục lần, cụ cố bên họ ngoại đã 97 tuổi, nhớ từ giờ sinh của thằng chắt nhớ đi, bảo cây đa này là cháu chắt chút chít của cụ đa nào đó mang về từ Thái Nguyên.

Năm kia, cũng về qua làng, vào chùa thắp hương. Sau lưng chùa là một cái sân gạch, cạnh là cái ao chùa. Sư bà coi chùa hồi ấy, gọi là bà nhưng chừng bốn mấy, đi thanh niên xung phong về, chồng bỏ, bèn xuống tóc vào chùa. Thắp hương cúng dường Đức Phật xong, đi ra sân vườn sau vãn cảnh, thấy sư bà lôi xềnh xệch con chó xích vào gốc cây, xích xong, đập vào mõm chó đánh chát một cái, mắng “Cha tiên nhân chó với má, tinh ăn vụng”. Đánh chó xong, sư cắp một cái rổ to đi xuống ao, mở cái vỉ tre đậy rổ, móc ra một con cá trắm to dễ gần 2 cân còn giãy đành đạch. Sư lấy cái chày sứt sẹo cạnh cầu ao, nện đánh bốp một cái vào đầu con cá. Công lực thâm hậu, chưởng xuất đúng tử huyệt, con cá giãy bật lên một cái rồi duỗi mình nằm thẳng cẳng (quên, thẳng vây). Xong, hóa kiếp cho mày sau đừng làm cá, mà có làm cá cũng đừng gặp sư bà.

Chứng kiến cảnh ấy, tôi đứng nhìn tấm lưng cánh phản của sư bà và đôi bàn tay đang móc mang, mổ ruột, chặt vây ngoay ngoáy, rón rén đi vòng phía khác, té thẳng. Lạy Phật, Phật từ bi vô lượng, còn sót một chút đường tu hoang dã ở kia, xin Phật độ trì cứu giúp cho dân làng được nhờ. Kiểu ấy mà lo phần giáo hóa cho dân làng thì Phật pháp chắc thành kiếm ma chưởng thuật mất thôi.

Năm nay, sư bà sát cá đi đâu mất, làng lại thỉnh về một sư bà khác, lông mày vẫn còn đường tỉa, răng khểnh duyên đáo để. Bí thư chi bộ làng, tên là Đắc, bảo “Mới gọi lên nhắc nhở, tối cứ mở cải lương nghe, mấy vãi trong làng nói ra nói vào”. Đắc Bí thư nói chưa xong, sư đã cãi xong rồi, bảo đấy là mấy băng nam mô a di đà đời mới làm, cải lương đâu mà cải lương, bịa tội cho người xuất gia, Phật giáng quả oán cho mà gánh tội. Chao ôi, cái cô Lan nào lại vào nhầm chùa thay chú Điệp đây?

Tôi nhớ có năm đọc báo cáo của Ban Tăng sự trung ương, báo kết quả năm vừa rồi có đến mấy chục vị tăng trẻ thuê nhà trọ ở lung tung, dẫn cả “người lạ” vào ở cùng, làm mất thể diện Giáo hội. Lại nhớ có lần đọc tin pháp luật – xã hội trên vnexpress, nói một ni và một tăng bị đánh cướp mất cái xe máy, địa điểm bị cướp xe là một bãi đất hoang bên quận 9, lúc 7-8 h tối. Khổ, tối tăm mù mịt thế, ra bãi đất hoang làm chi cho tội tình, cò ơi là cò. Rồi sư ông trụ trì chùa Quang Minh kể chuyện một sư chú khác vào An Giang tu theo phái khất sĩ, đi được 2 tháng thì quay về vàng võ, nói vất vả quá, lúc nào cũng đói, thôi về lại chùa cũ.

Thế nên, các bậc cao tăng mấy năm nay lo cho việc trang nghiêm Giáo hội là nhiều. Phần lễ lạt át mất cả phần tu tập, nhiều nơi sư trụ trì chỉ giỏi mỗi việc đi cúng ở các nhà, thành thử nhiều bà khi nhắc đến sư nọ sư kia, chỉ ngưỡng mộ mỗi cái giọng ngân nga và cái tay múa dẻo.

Trong tiếng mõ lời kinh có những giá trị tinh thần to lớn mà chỉ sự tu tập nghiêm cẩn mới tiếp nhận được. Chưa nói đến trong thánh điển Kinh Phật, những tri thức vô giá chỉ có thể được ngộ khi người tu nghiên tầm ngày qua ngày bền bỉ, bằng sự buông mình trọn vẹn vào một cõi không có tham, sân, si, không có danh vọng và tự ngã. Trong quá trình tích lũy và chọn lọc tri thức, người tu phải vượt qua bao nhiêu xáo trộn và chi phối, chỉ có hàng rào giới luật mới giúp thất tình không chen ngang, hủy hoại huệ mạng. Tôi ngờ rằng Giáo hội phải có một cuộc chấn hưng riêng cho việc hành trì giới luật bên cạnh việc cải tổ quản trị các cơ sở tự viện cho chặt chẽ. Đông mà không nghiêm, ấy là nền móng cái tòa nhà đã có nhiều dấu rạn.

KHÔ HẠN BÁT NHÃ

Tháng Một 1, 2010

Hai tuần trước, một sư ông nói với tôi “Bát Nhã tắc tị rồi”.

Nay thì những giọt nước của Làng Mai đã bốc hơi, không rõ có giọt nào về được biển cả Pháp quốc cùng sư ông Nhất Hạnh hay không. 39 vị anh hùng cuối cùng đã ra đi, không một lời để lại với ngay cả người đã cưu mang họ suốt 2 tháng qua, vị trụ trì chùa Phước Huệ.

Bác Trần Chung Ngọc có khuyên sư bà Chân Không diện bích tịnh khẩu, nói bớt đi, vì càng nói càng sai. Nay có khi bác nên có lời khuyên tương tự với sư ông Nhất Hạnh, bởi ngài càng nói càng thấy tâm ngài sân si. Ngài dụng công (lẽ ra dành cho tu tập) để viết một bức thư dài dằng dặc, gần 6700 chữ, để nói, để cay ca, để chê bai và thậm chí toan tính kéo sang cả chuyện Tây Tạng cho vấn đề thêm phần “long trọng thể”.

Mô Phật, giấc mộng làm quốc sư quá sớm của sư ông vậy là không thành. Công tội của giáo quyền và chính quyền ra sao trong vụ này, rồi người dân sẽ luận. Tăng thân làng Mai tứ tán phương nao, xin hãy nghĩ đến Phật pháp mà hành trì cho nghiêm cẩn và bền bỉ. Nếu là một dòng sông được, thì giọt nước nào cũng sẽ có cơ hội để quay về. Bằng không, cứ để cho Bát Nhã khô hạn, cỏ cây khô héo thành đất mùn cho lớp cây khác mọc lên. Toan tính thêm chi cho đau lòng Tam bảo.

Cung kính tiễn sư ông.

TRI KỶ

Tháng Mười Hai 14, 2009

Báo chí bàn luận suốt tuần về chuyến thăm Vatican của bác Chủ tịch. Tin đưa thì vô thưởng vô phạt, kể cả thông cáo báo chí chính thức của Vatican. Thôi thì hồi sau sẽ luận.

Nhân xem bức ảnh cụ Chủ tịch bắt tay cụ Pope, chả hiểu sao lại thấy hai cụ này lẽ ra phải là tri kỷ, nếu khoảng cách địa lý không quá xa.

Tri kỷ trước hết ở vụ phát ngôn.

Thôi thì cũng không cần nhắc lại vụ canh giữ hòa bình, trời đất sinh ra, thức ngủ ngủ thức mới đây nữa. Ở nhà ta, bà con chả lên You Tube xem đến nhão cả băng ra rồi.

Chỉ nhắc lại một vụ cách đây lâu lâu rồi của cụ Pope, về cái bao cao su.

Trên Talawas.org và trên sachhiem.net đều có đăng lại bài viết của Lê Diễn Đức, lượm về đây vì thấy viết rất chi tiết, đầy đủ.

Bao Cao Su và Giáo Hoàng Benedict XVI

(nguồn http://www.talawas.org/?p=1829)
Lê Diễn Đức, 02 tháng 4, 2009

LTS: Tuy câu chuyện có vẻ sôi nổi, nhưng thói quen “nói không chứng cớ” và “vô trách nhiệm” vẫn từ lâu là bản chất cố hữu của các giáo hoàng ở điện Vatican. Chúng tôi ghi lại phần “tin tức” của Lê Diễn Đức trong bài “Bao Cao Su và Giáo Hoàng Benedict XVI” đăng trong tạp chí điện tử Talawas ngày 02 tháng 4, 2009. ________________________________________

Đưa ra công luận về hiện tượng tiêu cực nào đó của Giáo Hội hoặc đụng chạm đến đề tài tôn giáo nói chung là điều nhạy cảm, thường được toan tính thận trọng và dè dặt ở mỗi quốc gia.
Huống chi, tôi sống tại Ba Lan, nơi có đến hơn 90% dân số công giáo ngoan đạo, còn các ngày lễ của Nhà Thờ cũng là ngày lễ chính thức của nhà nước.

Vậy mà câu chuyện về Giáo Hoàng Benedict XVI và bao cao su, vật cản mà có người hài hước ví von rằng, nó bắt đàn ông phải liếm đường qua túi nylon, vẫn đang nóng!

Từ sau giữa tháng 3/2009 đến nay báo chí thế giới đưa tin không ít về chuyện này và cộng đồng mạng tung hứng sôi động.

Nhưng không chỉ có cộng đồng mạng!
Ở Ba Lan, có lẽ vì bối cảnh tế nhị đã nêu, các cơ quan truyền thông, kể cả hãng thông tấn quốc gia PAP đều loan tin liên hệ, nhưng hầu hết dẫn nguồn từ nước ngoài như CNN, New York Times, Daily Telegraph, La Republica, …

Sự việc xuất phát từ chuyến công du Lục địa Đen của Giáo Hoàng Benedict XVI, khởi hành từ Vatican, Roma vào ngày 17 tháng 3 vừa rồi.
Trên khoang máy bay, Giáo Hoàng nói với các nhà báo như sau về dịch bệnh AIDS: “Đây là bi kịch mà bạn không thể ngăn chặn chỉ bằng tiền bạc, bằng việc phân phát bao cao su, bởi vì chúng chỉ làm tăng thêm các vấn đề”. [1]

New York Times (NYT) ngay lập tức lên tiếng phê phán Giáo Hoàng. NYT nhắc lại kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, bao cao su ngăn ngừa truyền nhiễm AIDS với hiệu quả 80%.
“Giáo hoàng có toàn quyền nói lên sự chống đối sử dụng bao cao su dựa trên nền tảng đạo đức theo quan điểm của Giáo hội công giáo. Nhưng không thể dùng đức tin khi bóp méo sự việc về giá trị của chúng trong việc ngăn chặn dịch bệnh AIDS”.

“Giáo Hoàng đã sai lầm. Chưa hề có chứng minh nào nói sử dụng bao cao su làm tăng mức độ dịch bệnh, ngược lại có không ít chứng minh rằng, bao cao su, dù không là thuốc bách bệnh, có hiệu quả trong rất nhiều hoàn cảnh”. [2]

Phát biểu của Giáo Hoàng đã gây nên sự phản đối mạnh mẽ trong giới chính khách cấp tiến và cánh tả tại nhiều nước Tây Âu. Dưới áp lực của đảng Xanh, các đảng viên cấp tiến và xã hội, quốc hội Bỉ sẽ có buổi tranh luận để ra nghị quyết kêu gọi chính phủ có thái độ trước lời nói của Giáo Hoàng.

Trong khi đó, cộng đồng mạng trên Facebook tiến hành chiến dịch xuyên quốc gia mang tên “Condom cho Giáo Hoàng Benedict XVI”, dự tính sẽ mua và gửi đến Giáo Hoàng hàng triệu bao cao su. Nguồn tin gần gũi với Giáo Hoàng tại Ý cho biết có khoảng 60 ngàn người nhập cuộc và họ hy vọng chiến dịch sẽ tràn qua các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh. Hiện đã có hàng ngàn người ở Pháp, Anh, Đức, Áo và Bulgaria tham gia. Một thành viên của cộng đồng mạng Facebook viết mình “kinh ngạc” khi thấy một người cống hiến cả cuộc đời để truyền bá các nguyên tắc đạo đức “mà sao lạc hậu và trong vấn đề này lại có thể hạn chế, mù quáng và thiếu trách nhiệm như vậy”. Người khác viết rằng, “những người chăn dắt tinh thần nói chung không làm tình, vậy sao họ có thể nói người khác phải làm thế nào?”. [3]

Giới chuyên môn cũng không tiết kiệm những lời phê phán. Tạp chí y học uy tín “The Lancet” với bài “Sự cứu rỗi dành cho Giáo Hoàng” cáo buộc Giáo Hoàng Benedict XVI “đã tráo đổi các xác định khoa học trước công luận nhằm quảng bá học thuyết công giáo” và đòi Giáo Hoàng phải rút lại những phát biểu của mình.

Người bình luận của nhật báo Ý La Republica gọi những câu nói của Giáo Hoàng Benedict là “ngớ ngẩn” và nhấn mạnh rằng nó sẽ tiếp tục là chuyện ngớ ngẩn kể cả người nói ra là Giáo Hoàng.

Vài lời bàn
Với việc giảm sút dân số, cùng với chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ xâm nhập sâu vào cách sống hàng ngày tại các nước phương Tây, chuyến công du của Giáo Hoàng Benedict XVI tới Phi châu không nằm ngoài mục đích quan trọng nhất là phát triển cộng đồng công giáo tại nơi mà người ta ước tính sau 15 năm nữa, cứ 6 người theo đạo công giáo trên thế giới sẽ có 1 người của Lục địa Đen.

Phát biểu của Giáo Hoàng có lẽ muốn để phù hợp với quan điểm của Nhà Thờ châu Phi trong chuyến xuất ngoại này, bởi vì tại đây việc phê phán sử dụng các phương tiện ngừa thai trở thành phổ cập, cho dù dịch bệnh AIDS đang phát triển nhất hành tinh.

Ít nhiều chúng ta đã nghe trong vài năm gần đây về các vụ xì-căng-đan lạm dục tình dục trẻ em trong giới giáo sĩ và tu sĩ. Tại Hoa Kỳ, trước áp lực của công lý Giáo hội Hoa Kỳ đã phải trả tiền bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục lên tới hàng trăm triệu đôla.
Vào dịp tranh giải Oscar cuối tháng 2/2009 vừa qua, màn ảnh thế giới đã giới thiệu với khán giả bộ phim “Doubt” của John Patrick Shanley, trong đó có các tài tử Hollywood lừng danh như Meryll Streep và Hoffman Phillip Seymour thủ vai.

Câu chuyện trong “Doubt” chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ các xì-căng-đan lạm dụng tình dục của giới tu sĩ. Xem xong, tôi có cảm tưởng bộ phim đã tạo nên một lớp sương mờ trên các giá trị đạo đức. Đọng lại trong tâm cảm con người là nỗi hoài nghi, bứt rứt, sợ hãi, nếu không nói là đang có hiện tượng khủng hoảng lòng tin.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh không dễ dàng hiện nay đối với Nhà Thờ, một nhà trí thức nổi tiếng với hiểu biết cao rộng và uyên bác như Giáo Hoàng Benedict XVI đáng ra phải hành xử khéo léo hơn để tránh phản ứng bất lợi. Báo chí tự do ở các nước dân chủ chẳng buông tha một ai. Có lúc nào mà mấy tay nhà báo lại không rình rập sự sơ hở của các yếu nhân.

Kể ra, khi giải thích cho luận điểm của mình rằng, việc Nhà Thờ giáo dục, khuyên kiêng khem (abstinence) quan hệ tình dục, khuyến khích quan hệ tình dục lành mạnh giữa nam và nữ hay gìn giữ chung thuỷ vợ chồng, cũng mang lại hiệu quả tốt để ngăn ngừa AIDS – nếu Ngài dừng ở đây là đủ. Đằng này, Ngài khẳng định thêm: “sự giáo dục của Nhà Thờ là phương tiện đạo đức duy nhất”. [4]

Ngay Hồng y Godfiierd Danneels (Bỉ) cũng đánh giá Giáo Hoàng “không phải là nhà ngoại giao” và “… Giáo Hoàng không nên nói về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, bao cao su đôi khi là phương pháp duy nhất để cứu mạng sống. Tôi không nghĩ Giáo Hoàng có ý nói không bao giờ nên sử dụng. Ngài nói đơn giản: không phải bằng phương pháp này dạy dỗ mọi người nắm lấy số phận trong tay mình”. [5]

Thế nhưng, Giáo Hoàng cũng chỉ là con người. Có ai trên đời này không bị ít nhất một lần sơ suất trong lời ăn, tiếng nói?
Chỉ những kẻ ngớ ngẩn hay cuồng tín đến mê hoặc mới nghĩ rằng người đại diện cho tư tưởng của mình lúc nào cũng thánh thiện.
________________________________________
Chú thích:
[1]: Nhật báo Ba Lan Dziennik 17/03/2009 – dẫn nguồn của NYT, Daily Telegraph.
[2]: Hãng Thông tấn Ba Lan PAP 18/03/2009 dẫn nguồn của NYT
[3]: Portal Ba Lan Onet.pl 28/03/2009 dẫn nguồn của CNN và Daily Telegraf
[4]: Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza 17/03/2009
[5]: Portal Ba Lan: Wiadomosci.wp.pl 26/03/2009
________________________________________

Đại hội dân Chúa

Tháng Mười Một 23, 2009

Năm tới, theo thông báo của Hội đồng Giám mục Việt Nam thì “Đại hội dân Chúa” sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Bà hàng xóm nhà tôi sáng sớm nay vừa quét lá quèn quẹt trước ngõ, vừa than “cha bảo cộng đoàn đóng góp thêm, ai cho thấy lòng mình rộng rãi, Chúa sẽ thưởng thêm”. Bà này, lấy chồng nên theo đạo, đi lễ sáng chủ nhật về chỉ khen nhà thờ mát, linh mục nói to, rồi ước giá được nằm trên ghế dài trong nhà thờ “ngủ một phát cho đã”.

Bác Trần Chung Ngọc đã có vài lần bình luận về hai chữ “dân Chúa”. Vị nào quan tâm có thể tìm xem trên http://www.sachhiem.net.

Một ông linh mục, thuộc dạng chăm chỉ viết lách, nói chuyện về ý định ra một ấn phẩm báo chí nhân dịp này. Chính quyền, nếu hào hiệp đáp ứng mong ước lạc quan này của ông, cũng nên nhớ một chút về tờ “Vì Chúa” trước kia.

Đại thể, tờ báo này ra đời ngày 23/9/1936, phát hành bằng 3 thứ tiếng Hán văn, Pháp văn và quốc văn tại tỉnh Quảng Bình và Huế. Giám đốc tờ Vì Chúa là Võ Văn Am. Tờ báo (khổ 45×30,5 cm) không chỉ đăng tải tin tức về cộng đồng “dân Chúa” loanh quanh đâu đó mà còn đưa tin chính trị thời sự, có cả mục bình luận về Chiến tranh thế giới thứ II, đăng cả tiểu thuyết.

Lại nói về chuyện bình luận về tin tức chiến sự của Thế chiến thứ 2, tờ này viết “Chúa dùng người nào, dẫu Hítle đi nữa, cách nào, xe tăng, trái phá… đi nữa thì mặc ý Chúa, miễn Chúa thương ta”. Rồi viết tiếp “Chúa đã khôn khéo dùng trận giặc này để tẩy trừ những thứ uế tạp trong trần gian. Khói lửa chiến tranh giết hại xác, nhưng ơn Chúa đã cứu biết mấy linh hồn… Nhân loại sẽ được đúc lại cho tinh ròng”.

Rồi dành cả một chuyên mục nói xấu các tôn giáo khác, chủ yếu nhắm vào Phật giáo.

Tôi đọc lại tờ này, nhớ lại vụ Hà Nội ngập lụt năm nào. Ông bạn người Ninh Bình, gia đình đạo gốc 4 đời, rủ tôi đi uống rượu ngay sau một buổi lễ vì chịu không nổi nỗi hân hoan quái gở của cha sở hôm đó. Cha sở là một linh mục ngoài 40 tuổi, đã rao giảng về đức tin và sự trừng phạt, kết thúc bài giảng bằng một câu: “Trận lụt kinh hoàng ở Hà Nội vừa qua với gần 20 người chết xác tín cho chúng ta về cơn giận của Chúa, về sự trừng phạt mà Ngài giáng xuống những kẻ dám báng bổ đức tin, dám xúc phạm danh Ngài và tôi tớ Chúa. Vinh hiển thay quyền năng Thiên Chúa, thương thay những kẻ dám xúc phạm Ngài mà cũng đáng thay cho chúng!”.

Tôi hỏi ông linh mục nọ, rằng nếu chính quyền cho phép ông ra tờ báo, ông viết gì trong ấy? Cha trề môi, bảo “Đố chúng nó dám!”. Rồi lại hỏi “Xin ra báo thì nộp đơn cho ai?”. Rồi kết luận “Viết báo thì dễ thôi, thiếu gì cái để viết. Nhưng bây giờ quan trọng nhất là có đủ tiền, ra báo là tốn kém lắm”.

Thế thì bà hàng xóm thân mến, bà chuẩn bị bỏ lợn ống cho những sáng đi lễ chủ nhật đi là vừa, vì cha xứ đang mơ mộng cầm bút viết báo kìa. Lần này Việt Nam ta có tờ “Cho Chúa”, “Của Chúa” hay “Để Chúa” chăng?

VÀ GẶP JANUSZ LEON WISNIEWSKI

Tháng Mười Một 23, 2009

Ông ấy đây, tại TP Hồ Chí Minh:

Mắt rất xanh. Cái nhìn có lúc lơ đãng.

NÓI VỀ TÔN GIÁO:

“Tôi tin vào Chúa của vật lý”.

Trong truyện ngắn Anorexia nervosa (chứng biếng ăn) của Janusz Leon Wísniewski, nhân vật bà mẹ trong truyện ngắn, một người Ba Lan, đã bình luận về các ngày lễ lạt của Chúa thế này: “Bữa tối Giáng sinh và Noel, đó trước hết là một phần của tiếp thị và quảng cáo. Con trai của một ông thợ mộc từ làng Galilei hẻo lánh trở thành một thần tượng thì có khác gì so với Madonna hay Jackson của con. Toàn bộ cái phần quảng cáo của anh ta, của mười hai tông đồ cơ đốc giáo đó, cùng với Juda, người trung lập nhất, là một trong những cuộc vận động đầu tiên được tổ chức tốt đến thế, nó đã quảng cáo cho một ngôi sao thực sự. Những chuyện kỳ quặc, những lũ con gái sẵn sàng cởi bỏ tất cả chỉ vì một tiếng gọi, lẽo đẽo theo sau thần tượng từ thành phố này đến thành phố khác, chứng lọan thần kinh tập thể, sự phục sinh và lên thiên đường… Jesu, nếu sống ở thời nay, hẳn phải có văn phòng đại diện, luật sư, địa chỉ email và trang www. Họ đã có chiến lược và Kinh Thánh đã ghi lại điều này rất tỉ mỉ. Thiếu quảng cáo, người ta không thể làm chấn động một cường quốc và không thể dựng lên một tôn giáo mới”.

– “Độc giả Ba Lan, đất nước của Kitô giáo, từng có cả một Giáo hoàng, tiếp nhận những chi tiết này như thế nào?”

“Không, tôi không gặp vấn đề gì cả. Ở Ba Lan, văn học không có đề tài cấm kỵ. Là một đất nước Thiên Chúa giáo không có nghĩa là một đất nước không có tự do tôn giáo. Tôi chưa bao giờ gặp sự phản đối từ phía nhà thờ (mà biết đâu nếu gặp sự phản đối này thì tôi có thể sẽ nổi tiếng hơn chăng)? Đúng vậy, tôi hay nói về sự nghi ngờ của mình về Chúa. Tôi không tin vào những thứ trong tôn giáo đó. Cả trong Tình nhân và Cô đơn trên mạng đều có nói đến việc Chúa đã tạo ra nhiều sự kiện bi kịch như thế nào. Tôi là người tin vào Chúa của vật lý. Tôi đến nhà thờ vào ngày thứ Hai trong khi mọi người đến đó vào Chủ nhật, tôi thích đến đó một mình chỉ để ngồi trong tĩnh lặng và suy nghĩ.”

VỀ NGOẠI TÌNH:

“Ngoại tình không phải là vấn đề của ngày hôm nay. Trong văn học thế kỷ 18 đã viết khá nhiều về chủ đề này, có báo động về ly hôn và ngoại tình. Ngoại tình tùy thuộc vào chất sinh hóa của con người. Từ xa xưa, loài người đã có chế độ đa thê. Nhìn chung thì thế này, tổng thể chỉ có 3% số loài có chế độ một vợ một chồng mà loài người thì không nằm trong 3% này. Con người nhanh chóng mất đi cái khát khao là chỉ được biết đến một người, điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý hay tôn giáo.

Số vụ ly hôn của các gia đình Công giáo Ba Lan tương đương số vụ ly hôn của các cặp không theo tôn giáo nào và cũng tương đương với các gia đình ở Tây Ban Nha hay Mỹ.

Khi người ta không nói chuyện với nhau nữa, lúc ấy sẽ là ly hôn. Nếu diễn tả kiểu toán học thì chỉ có một công thức tốt cho hôn nhân: 90% là nói chuyện thú vị, 10% là tình dục thật là hay.

Đàn ông hay bị nhầm lẫn giữa đòi hỏi tình dục và tình yêu. Họ bị lẫn lộn giữa hai điều này. Có thể vì cơ cấu trong não. Một số người còn có khả năng diễn tả điều đó trên giấy, đặc biệt là trong tòa án nhân dân.

3% loài là những con gì ư? Tôi nhớ là loài chim, cá sấu. Có một loài khỉ rất bé, chúng cứ 8 phút lại thay đổi bạn tình một lần. Thậm chí khi đang làm tình cũng có thể thay đổi bạn tình nếu trong tầm mắt nó thấy một con khác mạnh mẽ hơn. Con cái làm chuyện này chứ không phải con đực. Mà sao lại có nhiều người hỏi về loài khỉ này thế? Định hủy hoại loài này hay sao?”

VỀ NHÂN VẬT NATALIA TRONG “CÔ ĐƠN TRÊN MẠNG”:

“Tôi đã khóc khi viết phần về tình yêu giữa Jakub và Natalia. Vì đó là một câu chuyện thật. Câu chuyện về tình yêu của cha Anđrây và nữ tu cũng có là một câu chuyện thực. Nói chung, Cô đơn trên mạng là một cuốn sách rất thật. Tất cả những cuốn sách đầu tay của tôi đều là những cuốn sách viết về chuyện thật. Điều đó không có nghĩa là Janusz có một mối tình trên mạng như vậy để viết nên Cô đơn trên mạng. Tất nhiên là tôi cũng có những trải nghiệm như thế.

Sau khi viết, thông qua báo chí, tôi mới biết hóa ra mình là người rất hiểu phụ nữ. Khi viết Cô đơn trên mạng, tôi không hề biết điều đó. Tôi không tin là mình có thể hiểu biết phụ nữ đến thế. Nhiều người đàn ông nói mình rất hiểu phụ nữ, những người nói thế có chút gì đó tâm thần hoặc quá ảo tưởng.”

VỀ BỘ PHIM CÔ ĐƠN TRÊN MẠNG:

“Bộ phim ư? Nó gần như bị tách biệt với cuốn sách. 80% người xem không thích bộ phim, 20% ngưỡng mộ một cái gì đó. Những lời phê bình cho bộ phim là về tôi chứ không dành cho đạo diễn bộ phim, vì ông ấy không đưa địa chỉ email lên mạng. Nhưng từ cuốn sách này, có một vở kịch rất hay đã được dựng, người Nga đã dựng kịch và trình diễn tại Saint Petersburg. Nhiều người đi xem để so sánh giữa phim và sách. Phim có âm nhạc rất hay, kỹ thuật rất tốt, có dàn diễn viên nổi tiếng người Ba Lan đóng, quay tại nhiều nơi, chi rất nhiều tiền. Nhưng mọi người không thích xem. Họ muốn đến rạp để khóc nhưng lại không khóc.”.

Tin buồn cho những người hâm mộ Janusz Leon Wisniewski tại Việt Nam là dịch giả Thanh Thư sẽ không dịch thêm cuốn sách nào khác của ông nữa.

SẼ GẶP JANUSZ LEON WISNIEWSKI

Tháng Mười Một 19, 2009

Mai sẽ đi dự một cuộc họp báo, gặp JANUSZ LEON WISNIEWSKI, người đã viết Cô đơn trên mạng, Tình Nhân… Bà chị tôi, người từng vừa đọc Tình Nhân vừa khóc suốt đêm, vì “chị đã từng là tình nhân như thế”, mong ước giây phút gặp người đã viết cuốn sách này cháy bỏng suốt từ khi nghe tin Janusz đến TP Hồ Chí Minh.

Đành phải làm một động tác cảnh báo nguy cơ. Janusz không phải Jakub, sẽ không là một bạch mã hoàng tử hay một gã trung niên đẹp trai nguy hiểm. “Ông ấy hơi hói đấy”, tôi mô tả. “Thì làm sao, chị yêu tất cả những gã hói”, lời đáp. “Ông ấy hơi béo và không hề đẹp trai”, “Chị yêu ông ấy”…

Thế thì thôi, tôi lạy bà, bà đến đi, rồi muốn làm gì điên rồ ở đó thì làm, miễn là đừng làm Janusz sợ đàn bà Việt Nam.

Ông ấy đây, tìm thấy vô số bức trên mạng:

Và đây là căn phòng nơi ông ấy viết và dùng ICQ:

Bức này có vẻ đẹp nhất định:

Và tìm được cả một bài phỏng vấn, có lẽ là bài phỏng vấn hay nhất với J.L. Wisniewski.

Đây:

Trên mạng có cô đơn?

Tiến sĩ tin học và hóa học Janusz Leon Wisniewski cất tiếng chào đời tại Pernika-Toruniu (Ba Lan), hiện sinh sống tại Frankfurt am Main (Đức) bằng nghề nghiên cứu tế bào sinh vật học. Ông nói thạo cả tiếng Đức lẫn tiếng Anh vì làm việc cho một hãng của Hoa Kỳ, nơi ngôn ngữ Anh được dùng chính thức trong giao tiếp và đã có cuộc trình làng rất thành công với tiểu thuyết Cô đơn trên mạng.

Cuốn sách lập tức trở thành hiện tượng văn học thế giới và được người đọc Việt Nam yêu thích nhờ bản dịch của Nguyễn Thị Thanh Thư (được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006 về tác phẩm dịch). Lần đầu tiên, hàng triệu con người được giảng giải cặn kẽ về ưu thế khi giao tiếp với nhau trong ICQ. (Nên nhớ, ICQ – đọc đầy đủ theo tiếng Anh: I Seek You – là một trong những tiện ích web phổ dụng nhất. Lý do khiến công cụ trò chuyện này được ưa chuộng là khả năng tìm bạn bè và đồng nghiệp trực tuyến, đồng thời báo cho bạn biết khi nào họ sẵn sàng tiếp chuyện bạn. Không giống những công cụ trò chuyện khác – như chat chẳng hạn – chỉ thu hút giới trẻ, ICQ được xem là phương tiện truyền thông tiện lợi và phổ dụng nhất cho giới kinh doanh)…

Cách đây không lâu, nhà văn Janusz Leon Wisniewski đã xuất bản hai tiểu thuyết mới Số phận luân hồi và Người tình, tiếp tục khai thác đề tài về các mối quan hệ trong thế giới ảo với những cái được, cái mất của chúng. Trong chuyến thăm Nga gần đây, nhà văn đã trả lời phỏng vấn của một số báo chí. Xin trích giới thiệu cùng độc giả.

– Những người đã đọc Cô đơn trên mạng khi gặp ông thường nêu câu hỏi gì?
– Do đâu mà tác giả am hiểu phụ nữ như thế.
– Do đâu vậy?
– Do tôi thích trò chuyện với phụ nữ.
– Tức là, khi viết Cô đơn trên mạng, ông dành nhiều thời gian cho việc giao tiếp với phụ nữ?
– Ồ không, không phải thế đâu. Tôi cộng tác với một tạp chí chuyên dành cho phụ nữ ở Ba Lan. Hàng tháng, tôi đăng phóng sự ở đó, mà bà tổng biên tập tạp chí lại là một cốt cán của phong trào nữ quyền. Tôi bảo, tôi là đàn ông, nhưng cũng theo phong trào nữ quyền đây! Đến khi bà ấy hỏi “vậy thì chúng ta có gì khác nhau”, tôi đáp: “Chỉ có một sự khác biệt – tôi không hề giống bác sĩ phụ khoa”.
– Tôi cho rằng, chắc là những người theo trường phái nữ quyền sẽ không thích sách của ông – quá ư là lãng mạn, quá ư là tình cảm.
– Bản thân tôi cũng có nghĩ về điều đó. Nhưng, hình như chính những người theo phong trào nữ quyền cũng gần gũi với chính cái khởi nguyên nữ tính đó. Thậm chí còn rất gần gũi nữa!
– Ông có hay giao tiếp với những người quen bằng ICQ hay không?
– Tôi chưa bao giờ ngồi chat trên mạng, nhưng lại thường xuyên giao tiếp thông qua ICQ. Ở đó có thể lựa chọn người để mà trò chuyện. Câu chuyện của các nhân vật trong Cô đơn trên mạng là chuyện thật hoàn toàn. Tôi biết người phụ nữ đó. Thỉnh thoảng chúng tôi có giao tiếp với nhau. Cô ấy đã ly dị chồng.
– Nhưng cớ sao, khi các nhân vật của ông đã tìm thấy nhau trên mạng, mà sau đó, họ vẫn cứ cô đơn?
– Các nhân vật vẫn cứ cô đơn, bởi vì nhân vật nữ đã quyết định như thế. Cô ấy lâm vào tình thế khó xử của một mối tình tay ba. Còn anh ấy thì coi mối tình của cô là mối tình trọn đời, đồng thời lại là bi kịch lớn. Bởi vì anh ấy là con người siêu nhạy cảm, cho nên đành phải tuân thủ quyết định của cô ấy, và không muốn xúc phạm đến người đàn ông mà cô ấy đang sống chung.
– Thật lạ lùng, khi giữa hai con người ấy đã nảy sinh một cuộc tình trên đại thể. Bởi vì phần lớn câu chuyện, khi con người giao tiếp với nhau thông qua internet, họ cứ tưởng rằng đã rất gần gũi với nhau, thế nhưng sau đó gặp nhau, họ đều có cảm giác rằng chỉ thấy trước mặt một con người hoàn toàn khác, hoàn toàn xa lạ.
– Tôi cũng luôn luôn nghĩ về điều đó. Đã có những cuộc điều tra xã hội học cho thấy 78% trường hợp trong cuộc sống đã diễn ra đúng như thế. Từ một phương diện khác, trong các lý do thúc đẩy người ta đi kết bạn trên mạng, thì những thông số về thể chất không hề có một ý nghĩa gì. Một người còn trẻ ngồi xe lăn và một người có vẻ đẹp như siêu nhân sẽ có cơ hội ngang nhau trên mạng. Ngoài ra, một người đàn ông khi đến một sàn khiêu vũ, một tiệm ăn nhẹ, một quán rượu mà muốn làm quen với ai thì việc đầu tiên là để ý đến người phụ nữ nào có vẻ hấp dẫn, chứ người phụ nữ kém hấp dẫn không có cơ hội tự kể về mình. Thực tế đó thường được người ta gọi là “hội chứng quán bar”. Trên mạng internet thì cái “hội chứng quán bar” ấy không hề tồn tại. Nhân đây cũng phải nói là kết quả điều tra xã hội học cho thấy có đến 90% đàn ông đinh ninh rằng mình đang lên mạng làm quen với một người phụ nữ cực kỳ hấp dẫn. Thậm chí, các nhà điều tra còn rút ra một nhận xét là tất cả các anh chàng khi ngồi trước màn hình computer để vào mạng đều có một phản xạ hết sức độc đáo: Họ làm như đang ngồi trên bãi biển vậy, cũng duỗi người, ưỡn thẳng bụng. Đó là sự thực. Internet có cái tốt là ở chỗ đó – những người đàn ông và những người đàn bà không được hấp dẫn cho lắm vẫn có thể gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Còn nếu như sau đó họ có gặp nhau trong đời thực, thì chuyện người đàn bà ngực không được nở, hoặc người đàn ông đã sắp hói đầu ỏng bụng đã không còn quan trọng nữa. Tôi biết đích xác điều đó – sau khi xuất bản Cô đơn trên mạng, tôi nhận được 29.000 thư điện tử. Tôi biết có nhiều câu chuyện cùng khẳng định điều đó. Nhưng cũng có những trường hợp người ta không muốn gặp nhau trong đời thực – họ chỉ muốn đi cho đến cùng – con đường của nỗi tương tư.
– Nếu như loại bỏ ICQ khỏi cuốn sách, tác phẩm của ông sẽ thành một cuốn tiểu thuyết truyền thống, kiểu mối tình qua những bức thư…
– Hoàn toàn đúng. Những bức thư đó có thể chuyển phát bằng những chiếc xe tay cổ lỗ. Nhưng internet bảo đảm được một điều mà những chiếc xe tay không đảm bảo nổi – tất cả đều diễn ra tức thì. Một bức thư thông thường phải mất hai ba ngày để chuyển đến địa chỉ. Trong khoảng thời gian đó, nhân vật nữ có thể không khóc, không hồi hộp nữa, mà cũng có thể đã chuyển sang yêu người khác. Tôi có những người bạn quen, do những hoàn cảnh khác nhau, bắt buộc phải rời khỏi Ba Lan, và họ phải quy định với “một nửa của mình” để thường xuyên gặp nhau vào một giờ nhất định trước màn hình computer. Họ đặt sẵn camera, họ nhìn thấy nhau, họ cùng đặt sẵn một thực đơn, một loại rượu vang như nhau, thậm chí còn cởi hết cả quần áo ra nữa. Bằng cách đó, nhiều cặp vợ chồng đã được duy trì, bất chấp khoảng cách và thời gian chia ly. Đương nhiên, đấy chỉ là trò ảo, nhưng dẫu sao trò ảo đó cũng duy trì được các mối quan hệ con người. Đã có những công trình nghiên cứu đặc biệt chứng minh được rằng thành phần hóa học của máu trong não bộ của hai người trong lúc đó giống hệt nhau. Tôi vốn là nhà hóa học, tôi biết điều đó.
– Nhưng ở đây còn có một thái cực khác: Nếu như con người bắt đầu sống với cuộc sống trên mạng, người đó sẽ tự động rớt khỏi cuộc sống thực tế vây bọc quanh mình.
– Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Nếu như tôi tu một cốc bia hơi, điều đó không có nghĩa tôi là một con ma men.
– Ông nhận xét thế nào về bộ phim dựng theo tiểu thuyết Cô đơn trên mạng, trong đó ông trình làng với tư cách một diễn viên phụ người Đức?
– Bộ phim đã gây thất vọng lớn cho nhiều người đang hâm mộ tôi. Họ mong đợi một sự chuyển thể chính xác – ở cả cấp độ cảm xúc lẫn cấp độ cốt truyện. Nhưng trên thực tế đã không thể nhét cả một pho tiểu thuyết dày với vô số nhân vật vào hai giờ đồng hồ chiếu phim. Trong phim, âm nhạc thật là tuyệt vời, các diễn viên diễn rất cừ, đạo diễn rất tài và quay phim vào hạng tốt nhất, nhưng về tổng thể lại là một bộ phim không thành công.
– Tuyển tập truyện ngắn mới nhất của ông – Người tình – tiếp tục khai thác đề tài cô đơn?
– Tập đó gồm sáu truyện ngắn, liên kết bởi một đề tài chung: Kinh nguyệt, từ thời thiếu nữ đến chu kỳ giữa hai lần kinh nguyệt. Một truyện ngắn trong tập có nhan đề như thế, nhưng các nhà xuất bản ở Ba Lan – một đất nước theo Kito giáo – đã từ chối đặt tên đó cho cuốn sách. Ở Nga cũng vậy. Nhan đề nguyên tác chỉ được khai sinh ở Croatia. Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên là ở Việt Nam, người ta cũng quan tâm tới cuốn sách này (dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư đã chuyển tác phẩm này tới độc giả tiếng Việt, bản dịch mang tên Lạc nhịp, NXB Phụ Nữ 2005).

Thanh Chi giới thiệu và dịch